Người dùng điện thoại Huawei nên biết
Thứ Ba, 21 tháng 5, 2019.
Người đăng:
Đặng Thanh Thái
Nhiều người Việt tin rằng Huawei sẽ sớm cho ra hệ điều hành riêng của họ để thay thế Android, điều này rất có khả năng, nhưng mức độ thành công ra sao?
Sau vụ Mỹ áp đặt lệnh cấm lên nhiều hãng công nghệ Trung Quốc khiến Google rút giấy phép sử dụng Android của hãng Huawei, thị phần của hãng này đã chao đảo, nhiều người dùng điện thoại Huawei hoang mang. Không chậm trễ, Huawei đã nhanh chóng trấn an khách hàng với thông tin họ đã và đang phát triển hệ điều hành riêng, đồng thời hứa hẹn một hệ sinh thái phần mềm lý tưởng cho người dùng điện thoại Huawei do chính hãng làm ra.
Tuy nhiên, những thứ như vậy đều vẫn nằm trong thì tương lai, điều chúng ta cần quan tâm là liệu Huawei có làm được những gì họ nói? Mức độ thành công ra sao? Để làm sáng tỏ hơn, trang Số Hoá đã đăng bài báo "Nỗ lực bất thành của các hãng muốn thoát khỏi Google" với nội dung như sau:
Samsung, BlackBerry hay Nokia đều từng muốn tạo ra những chiếc smartphone chạy hệ điều hành của riêng mình nhưng cuối cùng đều quay về với Android.
Năm 2008, Google trình làng Android nền tảng di động đầu tiên của mình. Ra sau iOS của Apple một năm, Android càng trở nên nhỏ bé trước Symbian đang thống trị thị trường vào thời điểm đó cùng với Nokia hay RIM với BlackBerry OS. Tuy nhiên đến 2011, Android đã vươn lên mạnh mẽ để trở thành hệ điều hành phổ biến nhất trên smartphone và thống trị đến nay.

Khoảng 10 năm trước, thị trường smartphone đa dạng hệ điều hành chứ không chỉ có iOS và Android như hiện nay.
Sự phát triển thần tốc của Android là do nền tảng này mở cho tất cả nhà sản xuất có nhu cầu. Samsung, HTC, LG... tăng trưởng doanh số song hành cùng với sự lớn mạnh của Android và sự "bành trướng" của Google buộc BlackBerry hay Nokia phải thay đổi cả về phần cứng cũng như phần mềm. Tuy nhiên thay vì bắt tay, một số hãng đã phát triển hệ điều hành riêng hoặc tạo liên minh đối trọng với Google.
Sau những nỗ lực cải tiến hệ điều hành Symbian mà không đem lại kết quả rõ rệt, Nokia đã kết hợp với Microsoft bằng việc sử dụng Windows Phone. Tuy nhiên hệ điều hành này không được đón nhận, việc kinh doanh của Nokia thêm sa sút. Ngay cả khi lần đầu tiên chấp nhận dùng Android vào 2014, dòng Nokia X cũng cố gắng thoát khỏi bóng của Google bằng việc làm giao diện tương tự Windows Phone và sử dụng ứng dụng của Microsoft.
Thiết kế "nửa nạc, nửa mỡ" của Nokia X khiến công ty lún sâu vào khủng hoảng và phải bán mình cho HMD Global với giá bằng một phần 20 mức mà Microsoft mua lại. Khi vào tay chủ mới, điện thoại Nokia chuyển hướng chạy hệ điều hành Android hoàn chỉnh, thậm chí giao diện không tùy biến nhiều so với bản gốc của Google, lấy việc cập nhật sớm Android làm thế mạnh cho sản phẩm của mình.

Android trở thành nền tảng thống lĩnh thị trường smartphone. Ảnh: iMore
Tương tự câu chuyện của Nokia, BlackBerry chọn cách đấu lại Android, iOS bằng nền tảng ban đầu của mình nhưng tùy biến để dùng với màn hình cảm ứng. Dòng BlackBerry Torch ra đời 2010 có màn hình đa điểm cỡ lớn, trượt lên để lộ bàn phím QWERTY, song chừng đó là chưa đủ để hãng tạo sức hút trước iPhone 4, Motorola Droid X hay HTC Evo 4G ra cùng thời.
Đến 2013, công ty quyết tâm làm mới hoàn toàn với hệ điều hành BlackBerry 10 của riêng mình. Nền tảng này có thể chạy các ứng dụng Android cài từ ngoài nhưng các thao tác thực hiện tương đối phức tạp, khả năng tương thích thấp, phụ thuộc vào Google Service nên đã bị "khai tử" vào 2016. Sau đó, BlackBerry đổi chủ, đồng thời lựa chọn Android làm nền tảng nên doanh số điện thoại đã được cải thiện, thu hút nhiều người dùng hơn.
Ngay cả Samsung, đi lên trong ngành smartphone nhờ Android, cũng muốn giảm bớt lệ thuộc vào Google. Từ 2009, công ty điện tử Hàn Quốc đã trình làng dòng điện thoại Wave chạy hệ điều hành Bada do chính mình phát triển. Đến 2013, Samsung tiếp tục cho ra smartphone dùng Tizen OS, song song với các thiết bị chạy Android.
Các mẫu điện thoại chạy hệ điều hành riêng của Samsung không được thị trường đón nhận nên sau đó hãng chỉ tập trung vào Android. Tuy nhiên, công ty điện tử Hàn Quốc quyết tâm không phụ thuộc vào Google với đồng hồ thông minh và TV thông minh. Hãng dùng Tizen cho những thiết bị này, trong khi các nhà sản xuất khác lựa chọn hợp tác với Google bằng việc dùng hệ điều hành Wear OS (trước đây là Android Wear) và Android TV.
Cách đây gần chục năm khi Android chưa quá mạnh, một số nhà sản xuất đã tìm cách giảm lệ thuộc vào Google nhưng bất thành. Android hiện nay chiếm thị phần tới 85%, 15% còn lại thuộc về iOS và không có chỗ đứng cho bất kỳ hệ điều hành nào khác trên thị trường smartphone, theo dữ liệu của IDC. Thậm chí, Android sẽ còn mạnh lên khi dự báo tới 2023 chiếm 86,7% thị phần, thu hẹp iOS còn 13,3%. Vì thế ngoài Apple, các nhà sản xuất điện thoại khác hiện nay càng phụ thuộc nhiều vào Android.
Lịch sử dạy chúng ta một bài học rằng không có thứ gì tồn tại mãi mãi, luôn có điều gì đó mới lạ và tiên tiến hơn xuất hiện, chỉ là sau bao lâu và thời điểm nào thì không ai rõ. Có thể Huawei sẽ làm nên kỳ tích? Vượt mặt Samsung, Nokia, Blackberry,...là những ông lớn cực mạnh về công nghệ di động để cho ra hệ điều hành mới "ngon ăn" như Android hoặc hơn? Mà cũng có thể không!
Thanh Thái
Bài liên quan